NieR: Automata – Vào thời điểm trước khi Square Enix bắt đầu công bố NieR: Automata, có lẽ vẫn rất ít người biết đến Yoko Taro ngoại trừ những người hâm mộ của các tựa game của ông.
Dù vậy, vẫn khó có thể phủ nhận tài năng sáng tạo của ông với một cái đầu rất “dị” – về cả nghĩa đen lẫn bóng – khi ông luôn đeo mặt nạ đặc trưng khi phỏng vấn hay khi xuất hiện nơi công cộng để giới thiệu game.
Đó là lý do sau khi công ty cũ Cavia – nơi mà Yoko Taro sáng tạo ra Drakengard và NieR – giải thể, ông đã được đích thân Square Enix mời về nhận vị trí đạo diễn game và làm việc như một “freelancer” khi có thể đến công ty làm việc bất kỳ lúc nào tùy thích.
Chắc hẳn điều này khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp game hiện nay.
Chưa từng sở hữu những tác phẩm hào nhoáng lay động lòng người như Hideo Kojima (Metal Gear Solid) hay khai sáng thể loại kinh dị như Shinji Mikami (Resident Evil), Yoko Taro được đánh giá cao nhờ vào việc xây dựng kịch bản thú vị độc đáo, đầy bất ngờ và rất khác người.
Trong các tựa game của ông, kẻ xấu thường không chết, nhân vật chính lại chẳng thọ, trong khi người vô tội cứ luôn làm “bia đỡ đạn”, nhưng tất cả lại chính là thứ tạo nên một Yoko Taro – với những kết thúc game chẳng bao giờ làm hài lòng mọi người.
NieR chính là một ví dụ như thế.
Tựa game này tạo cảm giác như một tác phẩm “cult classic” kinh điển khi kén người chơi, doanh số nghèo nàn, và bị giới phê bình chê bai không hết lời.
Tuy nhiên với những ai đã chơi hết NieR, đa phần họ đều yêu thích tựa game này nhờ vào kịch bản kịch tính, dàn nhân vật cá tính và những bản nhạc cuốn hút.
Dù vậy khi đó nếu hy vọng rằng NieR sẽ có phần tiếp theo, hẳn bạn phải là một người rất lạc quan.
Chính vì thế, việc Square Enix công bố NieR:Automata là một việc vô cùng bất ngờ và cũng… đầy nguy hiểm vì có thể đây lại là một tác phẩm tiếp tục kén người chơi khác của Yoko Taro và không thu về được lợi nhuận gì cho Square Enix.
Thế nhưng chính nhờ việc hợp tác cùng PlatinumGames đã khiến “cục diện” thay đổi chóng mặt.
Như đã nói, dù đa số các tựa game trước như Drakengard và NieR không được đánh giá cao, nhưng riêng với Yoko Taro, đó đều là những “đứa con tinh thần” của ông, và đều được nhà thiết kế game này tạo ra những dấu ấn đặc biệt trong lịch sử game.
Với NieR: Automata, Yoko Taro dường như đã phát huy toàn bộ thế mạnh của mình để tạo nên một tựa game đậm chất nghệ thuật, mang đầy đủ những nét nhấn ấn tượng nhất.
Có lẽ ngoại trừ phần hệ thống chiến đấu ra, mọi thứ trong game đều ít nhiều dấu ấn của Yoko Taro trong đó.
NieR: Automata xảy ra với mốc thời gian sau phần đầu tiên đến… vài ngàn năm, khiến cho bất cứ ai cũng có thể chơi ngay lập tức mà không cần thiết phải quan tâm quá nhiều đến các phần trước.
Lúc này, toàn bộ nhân loại đã rời khỏi Trái Đất, để lại một hành tinh đổ nát và bị phá hoại bởi những cỗ máy – “tay sai” của người ngoài hành tinh. Để chống lại chúng, loài người quyết định cử các người máy Android thuộc tổ chức YoRHa xuống mặt đất để tạo nên những cuộc chiến tranh trường kỳ không hồi kết, và người chơi sẽ vào vai Android cá tính 2B cùng cộng sự 9S mang dáng vẻ của một cậu bé.
Dù mốc thời gian xảy ra sau phần NieR đầu tiên khá lâu, nhưng với cuộc hành trình đầy bi kịch của 2B và 9S trong Automata, Yoko Taro đã khơi gợi lại cho người chơi những câu hỏi nhân văn trước đây như: Nhân loại là gì? Điều gì định hình bản chất con người? Bạn sẽ hy sinh đến thế nào để bảo vệ người ta thương yêu?…
Với những câu hỏi phảng phất tính triết học như thế này, nếu game xây dựng kịch bản không khéo sẽ khiến người chơi cảm thấy mệt mỏi thay vì được giải trí đúng nghĩa.
Thế nhưng đây lại là NieR: Automata, một tựa game của Yoko Taro, nơi mà càng đến kết thúc thì mọi thứ lại càng liên kết chặt chẽ lại với nhau một cách đầy tinh tế.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.