Homefront: The Revolution – Số phận lận đận về mối tương giao giữa Homefront: The Revolution và những studio từng “nhúng tay” vào quá trình phát triển tựa game có lẽ quá dư thừa để tạo nên một bộ phim tư liệu nhỏ.
Từ Kaos Studios và THQ cho đến Crytek và cuối cùng quy tụ tại Dambuster Studios và được Deep Silver đỡ đầu, có lẽ quá trình “thai nghén” của trò chơi này cũng đầy mong lung hệt như cuộc kháng chiến mà quân khởi nghĩa bám lấy và lấy nó làm nghĩa sống của mình.
Cá nhân người viết luôn cho rằng mặc dù phiên bản Homefront đầu tiên thật sự là một tựa game đáng quên, đơn giản vì nó chẳng làm được điều gì để khiến nó nổi bật hơn những tựa game cùng thể loại ra mắt bấy giờ, nhưng chí ít bối cảnh đậm chất Red Dawn ít ra cũng mang lại cho nó một thứ gọi là “danh tính riêng”.
Còn Homefront: The Revolution?
Điều đầu tiên và có lẽ là duy nhất mà Homefront: The Revolution phần nào đó thực hiện thành công, chính là lối thiết kế thế giới mang đậm tính “dystopia” khi mà quân đội KPA hoàn toàn đô hộ nước Mỹ.
Hình ảnh Philadelphia phản chiếu trong Homefront: The Revolution giống như quan niệm về thuyết định mệnh (niềm tin về sự sắp đặt của những sự kiện mà gần như không thể tránh khỏi) đầy đen tối của con người, đó là lý do mà Homefront: The Revolution có cảm giác rất giống với Half-Life 2.
Tại sao lại là Half-Life 2?
Bạn có nhớ lần đầu tiên khi Gordon Freeman đặt chân tới thành phố City 17 chứ?
Cái cảm giác “lạnh người” mà trong đó, những tên Combine túc trực khắp mọi ngõ ngách và luôn quay đầu nhìn bạn cho đến khi bạn đi khuất tầm mắt chúng cùng với camera giám sát với ánh đèn xanh chiếu sáng mọi cung đường, những tên lính KPA với vẻ ngoài cực giống với Combine, những dãy nhà san sát nhau bị bỏ hoang với những đống đổ nát chất đầy, ý tưởng cho phép người chơi rảo bước qua những góc phố bị giám sát chặt chẽ mà không cần phải trốn chui trốn nhủi, tất cả đều khiến cho trò chơi mang lại cảm giác giống như những giây phút đầu tiên của Half-Life 2 trong thế giới mở vậy.
Những khu vực Greentree Yellow Zone là khu vực thành thị đầy “sạch sẽ” và dĩ nhiên là văn minh hơn khu vực Red Zone chẳng hề có dấu hiệu nào cho thấy rằng nơi đây đang bị đô hộ, cho tới khi bạn đào sâu vào những góc khuất bên trong nó.
Tất cả tạo nên một bối cảnh Philadelphia rất lạ, rất đậm chất “Half-Life“, và có thể nói là rất độc đáo!
Tương tự như các phiên bản Far Cry gần đây, Homefront: The Revolution cũng cho phép người chơi lựa chọn phương thức tiếp cận nhiệm vụ, hoặc xả súng hoặc hành động bí mật, nhưng vấn đề ở chỗ là dường như trò chơi chẳng biết phải làm sao để cân bằng cả hai mặt này, kết quả là bắn súng trong Homefront: The Revolution chỉ ở mức tàm tạm, hành động bí mật cũng chả khá khẩm hơn.
Kho vũ khí của Homefront: The Revolution chỉ ở mức tạm được nhưng sở hữu một chức năng “lạ mà quen” đó là cho phép người chơi gắn phụ kiện trực tiếp lên vũ khí (tương tự như trong Crysis) và có thể biến đổi chủng loại vũ khí dựa theo khung chỉ bằng một nút bấm duy nhất.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.