Hades – Từ xưa đến nay, trong số các tài liệu ghi chép về tín ngưỡng và tôn giáo, có lẽ thần thoại Hy Lạp là có sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ nhất, dù ở phương Đông hay phương Tây.
Nguyên nhân có thể là do các vị thần Hy Lạp tương đối khá “người”, khá “đời thường”, và những pho sử thi hoành tráng có thật trong lịch sử cũng ít nhiều gì thường viện dẫn đến họ.
Thật vậy, thần thoại Hy Lạp còn là đề tài ưa thích của các sản phẩm giải trí như kịch nghệ, sách vở, phim ảnh, hay thậm chí là videogame.
Vì cũng hiếm có một cái đề tài nào vừa sâu rộng mà lại vừa tự do, kiểu như “phàm nhân bợp tai thần thánh” lại là chuyện khá bình thường và không đến nỗi bị team “tôn giáo” lên án mạnh mẽ cho lắm.
Đến từ Supergiant, studio “cha đẻ” của các tựa game indie trứ danh như Bastion, Transistor, Pyre… Hades cũng xoay quanh chủ đề thần thoại Hy Lạp, tuy là theo một góc nhìn rất lạ, rất khác.
Vốn ra mắt từ lâu trên nền Epic Games, nhưng mãi đến ngày 17.09.2020 vừa qua thì đông đảo người chơi trên Steam và Nintendo Switch mới có dịp thưởng thức siêu phẩm này.
Sớm nằm trong “wishlist” của người viết ngay từ cái nhìn đầu tiên, lẽ dĩ nhiên Hades cũng phải có cái gì đó thật sự độc đáo và ấn tượng.
LỐI CHƠI HÀNH ĐỘNG ROGUELIKE KỊCH TÍNH
Về cơ bản, cốt truyện trong Hades xoay quanh hành trình đào thoát khỏi địa ngục của Zagreus, cậu “tục tưng” của Chúa tể Địa ngục Hades.
Chắc do dưới đó ít sách vở và không có mạng internet, nên mãi đến sau vài nghìn năm bị “lừa dối” bởi cha mình và Nyx, Zagreus mới biết rằng mẹ ruột của mình thật ra là nữ thần Persephone – và dĩ nhiên là cậu có vô vàn câu hỏi muốn tìm lời giải đáp, nên hành trình “bỏ nhà đi chơi” của Zagreus bắt đầu từ đó.
Cốt lõi về lối chơi của Hades thuộc về dạng game Roguelike, trong đó mỗi một lần đào thoát của Zagreus sẽ dẫn người chơi qua nhiều “cõi” dưới địa ngục, với kết cấu là hàng chục căn phòng kết nối với nhau một cách ngẫu nhiên, và cuối mỗi “cõi” là một con trùm.
Với đặc thù của dạng game Roguelike, người chơi có thể đảm bảo là hầu như không bao giờ hành trình đào thoát của Zagreus bị lặp lại, do bố cục phòng và kẻ địch bên trong sẽ được ngẫu nhiên từ một “bể dữ liệu” cực lớn.
Để vượt qua một phòng, thường thì người chơi phải tiêu diệt hết kẻ địch bên trong, trước khi chọn một trong nhiều cửa để đi tiếp.
Bàn về “cửa”, thì đấy là phần thưởng của mỗi phòng sau khi “dọn dẹp” sạch đám kẻ địch.
Chúng có thể là tiền để mua các nâng cấp tạm, là tinh thể hắc ám để cường hóa Zagreus vĩnh viễn, là châu báu để “độ” lại hoàng cung, hoặc hấp dẫn hơn – là các “lời chúc phúc” từ các vị thần Olympian.
Nhờ sự “se chỉ luồn kim” của Nyx, bà mẹ đỡ đầu của mình, hành trình đào thoát của Zagreus đến tai các vị thần trên đỉnh Olympus, và họ không ngần ngại gì (vài người còn hồ hởi đến mức… thái quá!) mà tìm mọi cách để giúp đỡ thằng cháu/em họ xa mấy tầm đại bác bắn này!
Hệ thống điều khiển của Hades gói gọn trong một đòn đánh thường (tốc độ nhanh, sát thương trung bình), một đòn đánh mạnh (chậm hoặc có phạm vi đặc biệt), “chưởng phép” và lướt.
Tất cả các phước lành của thần Olympian đều xoay quanh việc cường hóa, thậm chí thay đổi bản chất của các thế đánh này nhằm mang lại cho người chơi vô vàn trải nghiệm thú vị.
Mỗi vị thần Olympus sẽ có những cách cường hoá khác nhau, ví dụ Poseidon có hiệu ứng đẩy lùi, Dionysus rút độc hay Athena là phản đòn… Còn tùy vào việc người chơi chọn cường hóa cho thao tác nào, mà cách vận dụng chúng lại còn biến hoá thêm nhiều.
Về sau, khi “mở khóa” được những phù phép “kép”, thì tính biến thiên của game lại càng được đẩy xa hơn nhiều nữa.
Tuy thiếu đi động tác nhảy, nhưng về phần hành động chặt chém của mình thì Hades không có gì đáng cho người chơi phàn nàn cả.
Zagreus có thể chọn một trong sáu món vũ khí: kiếm, giáo, khiên, cung, nắm đấm hoặc súng cho mỗi lần đào thoát của mình.
Mỗi loại vũ khí có lối đánh hoàn toàn khác nhau, kết hợp với các cường hóa Olympian thì người chơi hầu như có thể trải nghiệm vô số các kiểu xây dựng nhân vật mà chơi “mệt nghỉ” cũng chưa thấy trùng lặp.
ĐỒ HỌA ĐỘC ĐÁO – XUẤT SẮC
Nhắc đến Supergiant, thì chắc chắn ấn tượng mạnh nhất mà hãng mang lại cho hầu hết người chơi, chính là phong cách đồ họa vẽ tay 2D cực kỳ độc đáo, có 1-0-2.
Đặc biệt, với mỗi một tựa game, Supergiant lại mang đến cho người chơi những trải nghiệm thị giác hoàn toàn khác biệt – chẳng hạn như với Bastion, là những nét cọ thần sầu tạo nên một thế giới bất ổn ẩn sâu bên dưới bộ cánh tươi tắn đẹp đẽ; hay với Transistor thì lại là một thế giới có độ tương phản sáng tối cực mạnh, hệt như những bộ phim trắng đen những năm 60.
Với Hades, thì Supergiant lại mang đến cho chúng ta một âm giới hoàn toàn khác biệt với cách mà sách giáo khoa miêu tả.
Từ cách bài trí trong hoàng cung cho đến ba cõi Tartarus, Asphodel, Elysium – người chơi đều có cảm giác ngỡ ngàng và trầm trồ trong sự thán phục, khi mỗi nơi là một bức tranh điêu khắc hết sức hoàn mỹ.
Hades quả thực là một tựa game danh bất hư truyền – nó chẳng những bỏ xa ba người anh em trước đó, vốn dĩ cũng là những tựa game xuất sắc, mà còn tạo ra một vị thế khác biệt hoàn toàn, nằm ở một tầm cao mới.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.