Ghostwire: Tokyo -Trong bộ phim We Couldn’t Become Adults (2021) của đạo diễn Yoshihiro Mori, phân đoạn có thể nói là đắt giá nhất phim là khi hai người bạn cũ lâu ngày không gặp rảo bước quanh một Tokyo đìu hiu, vắng vẻ vì những đạo luật cách ly xã hội lúc bấy giờ. Sự đắt giá của phân cảnh này không nằm ở những gì họ nói với nhau, mà là ở bối cảnh đằng sau đó.
Hình ảnh của Tokyo hiện đại với nhiều người là sự sầm uất, những biển người băng qua băng lại trên giao lộ Shibuya, các ga tàu điện ngầm chật kín người, vô số trung tâm mua sắm, ăn chơi nhộn nhịp không bao giờ tắt đèn.
Vậy nên, khi Tokyo “ngủ yên” thì chắc hẳn là có một ẩn khuất nào đó mà tác giả muốn kể lại cho khán giả, bối cảnh đặc biệt này sẽ trở thành đòn bẩy trần thuật (narration) đắt giá nhất – dù cho đó là một câu chuyện về những trí thức thành thị lo âu hay… một câu chuyện ma hiện đại.
Chắc đến đây, bạn đọc cũng biết rằng “câu chuyện ma hiện đại” lấy bối cảnh ở “Tokyo ngủ yên” mà người viết muốn nhắc tới là gì rồi.
SHIBUYA, MỘT ĐÊM MƯA…
Một làn sương bí ẩn đã bao phủ Tokyo, và tất cả mọi cư dân ở đây đã “thoát xác”, biến mất khỏi đường phố, chỉ để lại trên đường những bộ quần áo họ đang mặc lúc bấy giờ!
Với một bối cảnh hết sức đặc biệt và giàu tiềm năng như vậy, phần nghe-nhìn của game đã không hề bỏ phí bất cứ cơ hội nào để tái hiện một Tokyo (mà cụ thể hơn là Đặc khu Shibuya) một cách vô cùng chi tiết, sống động và đầy ma mị!
Từ những khu vực ăn chơi, mua sắm đầy tiện nghi, cho tới các khu hành chính với vô số tòa nhà chọc trời san sát nhau, đến các khu hẻm nhỏ ngoại ô hay thậm chí là hệ thống cống rãnh – đội ngũ phát triển Tango Gameworks đã chăm chút tới từng chi tiết nhỏ nhất, để tái hiện một Tokyo sống động và đáng tin nhất có thể!
Và sự chi tiết không tưởng đó đã khiến Ghostwire: Tokyo xây dựng được không khí kỳ bí của bản thân hiệu quả hơn.
Cảm giác mà một Tokyo vẫn “sống”, vẫn sáng đèn, vẫn ồn ào, nhộn nhịp dù cho không có một bóng người hay kẻ thù nào thực sự đã làm người viết nhiều phen “rợn” người, nổi gai óc!
Ở những địa điểm sầm uất nhất Tokyo như ngã tư Shibuya hay quận Neon Enzan – những tấm biển quảng cáo vẫn không ngừng sáng đèn, không ngừng mời gọi – nhưng không còn ai ở xung quanh để xem chúng.
Các tấm bảng hiệu giới thiệu về những món hàng thú vị sắp ra mắt hoặc chương trình ưu đãi của một hàng nhậu nào đó chỏng chơ trên đường, xung quanh là hàng đống quần áo của những khách hàng bị “thoát xác” ngay lúc xếp hàng.
Rồi ra xa khỏi trung tâm thành phố, mọi thứ dường như im lặng, vắng vẻ hơn, nhưng dấu ấn của một xã hội xô bồ, bận rộn đã, đang và sẽ sống tiếp đó vẫn cứ hiện diện. Những bộ đồng phục học sinh la liệt khắp bến xe buýt, những chiếc xe đạp ngã soài ra trong hẻm nhỏ, những chồng báo nhàu nát vì cơn mưa, những món đồ cúng lăn lóc trong nghĩa trang,…
Và rồi, điểm nhấn cuối cùng là những yếu tố siêu nhiên!
Xung quanh Tokyo sẽ có những chiếc cổng Torii bị băng nhóm phản diện chính của game chiếm hữu để mở đường cho ác ma từ âm giới vào dương giới, rồi những cây linh hồn khô queo mọc lên từ trên đất… những thiết kế này đóng vai trò như điểm nhấn cuối cùng để khiến Shibuya nay đã ảo, còn ảo hơn!
Tất cả những chi tiết đó được sắp xếp một cách vô cùng cẩn trọng để khắc họa một Tokyo dù bị đóng băng với thời gian, những vẫn vô tâm sống tiếp. Sự kết hợp đặc biệt của chủ đề, thông điệp của game với một Shibuya chi tiết tới siêu thực khiến cho bối cảnh Ghostwire: Tokyo trở nên cực kì đắt giá so với bất cứ tựa game nào ra mắt 5-10 năm trở lại đây.
GIÁ TRỊ CŨ, THẾ GIỚI MỚI
Trong một thế giới đầy độc đáo, chi tiết và sống động như vậy, những “cư dân” mới của chúng cũng đã được chăm chút vô cùng kĩ lưỡng để khiến những thông điệp của Ghostwire: Tokyo càng vang vọng hơn với người chơi.
Ngoài thực tế, nước Nhật là một cường quốc công nghệ với muôn vàn tiện ích nhân sinh tân tiến và hiện đại, cư dân của nó kết hợp và tích hợp truyền thống và bề dày văn hóa khổng lồ với cuộc sống công nghệ cao. Còn trong Ghostwire: Tokyo, đội ngũ Tango Gameworks đã lèo lái hướng đi nghệ thuật của game để phản ánh điều chân thực nhất, dù là siêu nhiên hay tự nhiên.
Điều này khiến cho mọi lựa chọn thiết kế hình ảnh của Ghostwire: Tokyo đều có chủ đích. Từ… cỏn con như việc những giọt nước mưa trong game thực ra là chữ “mưa” bằng Hán tự truyền thống (雨), cho đến những chú “mèo thiêng” Nekomata mặc kimono truyền thống làm bán hàng ở cửa hàng tiện lợi, ta thấy được giá trị truyền thống của nước Nhật thoải mái sống ở một Tokyo xô bồ, hiện đại.
Những thông điệp này không chỉ thể hiện qua thiết kế môi trường và ngoại cảnh, mà còn thể hiện trong thiết kế nhân vật và kẻ thù.
Những kẻ ác chính trong game ăn mặt hết sức… thời thượng với những bộ techwear (trang phục công nghệ) sành điệu mà các bạn mê thời trang sẽ dễ dàng nhận ra. Nhưng điểm nhấn lại nằm ở những chiếc mặt nạ kịch Noh truyền thống bị nứt vỡ, xơ xác.
Mỗi chiếc mặt nạ lại đại diện cho một ác quỷ truyền thống khác nhau, và tất cả bọn chúng bị chỉ huy bởi một kẻ đeo mặt nạ Hannya, chúa quỷ ghen tuông.
Những kẻ thù chính, những “ác ma” vô tri còn lại trong game cũng được chăm chút rất kĩ lưỡng. Chúng là những “walker”, “students”, “marionette” không mắt mũi, với những diễn hoạt mệt mỏi, bệnh hoạn. Chúng là hiện thân dưới dạng truyền thuyết đô thị về sự thống khổ, mệt mỏi và áp lực của cư dân Nhật Bản trước một xã hội được thiết kế để bóp nghẹt tất cả mọi người và đặc biệt hà khắc với người lao động, trẻ em và phụ nữ.
Bên cạnh đó, game cũng không thiếu những truyền thuyết đô thị đáng sợ hơn như Kuchisake-Onna (ma nữ rạch mặt) để khiến cho mọi thứ càng đa dạng.Mặc dù thiết kế lối chơi đi theo lối mòn và đơn điệu tới mức nhiều lúc nhàm chán, khâu thiết kế hình ảnh chỉn chu, sáng tạo và xuất sắc của Ghostwire: Tokyo đã biến game thành một trải nghiệm nhập tâm dẫn truyện thú vị, khắc họa thành công và xuất sắc những giá trị văn hóa cũ và mới của một nước Nhật vừa xinh đẹp, vừa nhiều góc khuất.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.